Nhà đầu tư xây trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia cho hai hầm Phước Tượng và Phú Gia nhưng lại được “ưu ái” đặt trạm thu phí ở phía bắc hầm Hải Vân.
Như Báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ vừa kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao, hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra 07 dự án (05 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, 01 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT và 01 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng kết hợp cả BT và BOT), trong đó có dự án BOT Phước Tượng – Phú Gia (trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế) – dự án này có nhiều sai phạm.
Những sai phạm nghiêm trọng của dự án này đã được nêu rõ trong kết luận thanh tra. Tuy nhiên, điều mà người dân và cánh tài xế bức xúc là trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia đặt “nhầm chỗ”, theo kiểu “tận thu” trong suốt thời gian qua.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Phước Tượng – Phú Gia BOT xây trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia cho hai hầm Phước Tượng và Phú Gia (tại huyện Phú Lộc) nhưng lại đặt trạm thu phí ở phía bắc hầm Hải Vân (thuộc thị trấn Lăng Cô).
Hai vị trí này cách nhau khoảng 10km về phía bắc, nhưng không hiểu vì sao nhà đầu tư lại được “ưu ái” đặt trạm thu phí gần hầm Hải Vân (giáp ranh giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế). Kiểu đặt trạm thu phí “nhầm chỗ” này khiến cánh lái xe và người tham gia giao thông “hết đường thoát”. Nếu không đi qua trạm thu phí thì phải chạy vòng vèo trên cung đèo Hải Vân dốc hiểm trở, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Anh Lê Vĩnh (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bức xúc: “Gia đình tôi và bạn bè cuối tuần thường chạy ô tô ra thị trấn Lăng Cô chơi, nghỉ mát và thưởng thức hải sản. Chúng tôi không có nhu cầu đi qua hầm Phú Gia, Phước Tượng ngoài kia mà vẫn bị trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia “chặn” thu tiền. Hai lượt đi về là 70.000 đồng. Đó là chưa kể rất đông khách du lịch từ Đà Nẵng ra Lăng Cô chơi, tham quan. Họ có đi tới hầm Phú Gia, Phước Tượng đâu mà vẫn “è cổ” đóng phí cho trạm thu phí đặt vô lý này. Đề nghị cần đặt trạm thu phí này đúng chỗ”.
Trong lúc đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Thành Công, Phó Tổng GĐ Cảng Chân Mây (thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên – Huế), cho biết trước sự việc trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia đặt “nhầm chỗ” này, từ giữa năm 2016, phía Cảng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, nêu rõ cần có cơ chế cấp phép riêng và không thu phí hầm đường bộ Phú Gia – Phước Tượng đối với các phương tiện có tuyến vào/ra Cảng Chân Mây trên địa bàn khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô vì họ đâu có sử dụng hầm Phú Gia, Phước Tượng.
Vào giữa năm 2016, lúc đó ông Nguyễn Hữu Thọ còn làm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Cảng Chân Mây đã nói: “Trạm thu phí gì mà đặt cách xa cửa hầm Phước Tượng-Phú Gia cả chục cây số và án ngữ trên con đường gần như độc đạo dẫn vào thị trấn Lăng Cô. Điều đó đã cho thấy ý đồ của họ rồi. Từ khi nghe tin trạm này đi vào hoạt động, chúng tôi đã mất một loạt các hợp đồng với các đối tác phía nam”.
Đến nay, mọi chuyện vẫn như cũ, Cảng Chân Mây bị các đối tác cắt rất nhiều hợp đồng vì chi phí vận chuyển tăng do trạm thu phí.
“Cảng đã gửi kiến nghị nhiều lần và đã làm việc với Sở GTVT Thừa Thiên – Huế, Chủ đầu tư và kiến nghị lên UBND tỉnh và UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã có Công văn gửi Bộ GTVT, Cảng Chân Mây rồi nhưng hiện vẫn chưa có động thái gì. Các phương tiện vận tải dù không sử dụng hai hầm Phú Gia và Phước Tượng vẫn phải “còng lưng” trả phí khi đi qua trạm thu phí BOT Phú Gia – Phước Tượng.
Các lượng hàng từ phía nam ở Cảng Chân Mây trước đây thu hút rất tốt, nhưng từ khi có trạm thu phí đặt chắn ở phía bắc hầm Hải Vân là họ cắt hợp đồng vận chuyển hết vì phải tăng thêm chi phí. Mỗi một tấn hàng tăng lên hơn 20 ngàn đồng, họ cắt hết”, ông Nguyễn Thành Công cho biết.
Theo ông Công, trong Công văn của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu Bộ GTVT “miễn và giảm” là chưa đúng. Đáng lẽ ra là phải dùng từ “không thu phí” vì các phương tiện từ Lăng Cô đi vào Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam có sử dụng hầm Phú Gia, Phước Tượng đâu mà nói là “miễn và giảm”?.
Ngoài ra, việc đặt trạm thu phí “nhầm chỗ” này cũng ảnh hưởng lớn đến các xã có du lịch phát triển liên quan đến vùng kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là: Lộc Thủy, Lộc Tiến và Lộc Vĩnh. Ba xã này du lịch phát triển mạnh, lượng xe ở Đà Nẵng ra tham quan, du lịch rất nhiều, khi có trạm thu phí đặt ở phía bắc hầm Hải Vân thì giảm sút rất mạnh.
Nói về vấn đề này, ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ TP Đà Nẵng cho rằng: BOT phải xét về khía cạnh có ích cho xã hội, khi nào mà nó đáp ứng được hai điều kiện.
Đó là, thứ nhất: Việc BOT là lựa chọn thứ hai cho người sử dụng giao thông. Ví dụ, các nước khác họ làm BOT thì anh có thể tham gia đường BOT đó hoặc tham gia đường của quốc gia. Đường của quốc gia là con đường người ta đã đóng phí đường bộ rồi, thì người sử dụng giao thông họ có quyền lựa chọn, có thể đi con đường đó dài hơn nhưng không phải trả phí nữa. Nếu đi con đường tốt hơn, ngắn hơn (BOT) thì mới chấp nhận trả phí. Đằng này, nhiều phương tiện không sử dụng hầm Phú Gia, Phước Tượng mà vẫn trả phí cho trạm thu phí phía bắc hầm Hải Vân là vô lý.
Thứ hai là khoảng cách giữa hai trạm BOT theo quy định là 70km nhưng trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia tính từ phía bắc hầm Hải Vân tới trạm thu phí đường bộ Phú Bài (đặt tại thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) chỉ hơn 50km.
“Cả hai yếu tố nói trên thì trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia không đáp ứng được. Rất nhiều đối tượng tham gia vận tải ở Cảng Chân Mây, các đối tượng đi du lịch qua các khu nghỉ mát, nhà hàng, khách sạn…ở thị trấn Lăng Cô (không sử dụng hầm Phú Gia, Phước Tượng) đều cũng bị thu phí một cách vô lý.
Trạm thu phí này đã “móc túi” những đối tượng này. Theo tôi, người dân miền Trung hiền lành, chưa phản ứng dữ. Chứ nếu người dân phản ứng dữ dội thì nó sẽ trở thành một vấn nạn của xã hội rồi…”, ông Hiệp nói.
Nguồn:http://toquoc.vn/thoi_su/tram-thu-phi-bot-phuoc-tuong-phu-gia-dat-nham-cho-theo-kieu-tan-thu-253113.html